Dự đoán điểm chuẩn đại học các trường TOP đầu sau khi biết điểm thi Tốt nghiệp THPT, chuyên gia gợi ý cách chọn ngành học

Google News

Nhiều trường đã công bố điểm sàn và dự đoán điểm chuẩn đại học năm 2023 sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Dự báo năm nay có sự tăng giảm điểm ở các trường.

Dự đoán điểm chuẩn đại học các trường TOP đầu năm 2023

Mới đây, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) đã chính thức công bố điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) áp dụng cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho hay: Điểm sàn các ngành năm nay của trường từ 17 điểm. Dự kiến điểm chuẩn của trường có thể dao động tăng 1-2 điểm so với năm trước.

Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TP.HCM cho biết: Hội đồng tuyển sinh trường đã thông báo điểm sàn/ngưỡng đảm bảo chất lượng xét tuyển phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với mức điểm sàn các ngành dao động từ 16 - 20 điểm. 

Điểm chuẩn các ngành của trường năm nay có thể sẽ thấp hơn năm ngoái từ 0,5 - 2,0 điểm. Những ngành năm ngoái lấy khoảng 22 điểm trở lên thì sẽ giảm tối đa là khoảng 2 điểm. Một số ngành như cơ khí, điện tử, công nghệ may thì giảm khoảng 1,5 điểm so với năm ngoái. Các ngành còn lại sẽ giảm khoảng từ 0,5-1,0 điểm.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Phụ trách đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố, có thể thấy điểm giỏi của các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử giảm so với năm 2022. Trong khi đó các môn Sinh học, Ngữ văn, Ngoại ngữ điểm giỏi lại có xu hướng tăng nhẹ so với năm trước. Nhìn chung phổ điểm các môn cơ bản ổn định như năm 2022, tùy từng ngành học, cơ sở giáo dục đại học mà điểm chuẩn có thể thay đổi đôi chút so với điểm chuẩn năm 2022.

Dự báo các tổ hợp có sử dụng các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử điểm chuẩn có thể giảm nhẹ. Các tổ hợp sử dụng các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ điểm chuẩn có thể tăng đôi chút. Tuy nhiên đây chỉ là dự báo ban đầu, điểm chuẩn các ngành, các trường còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký. Những ngành có số lượng thí sinh đăng ký lớn chắc chắn điểm chuẩn sẽ thay đổi, các ngành có ít thí sinh đăng ký điểm chuẩn sẽ giảm.

Tối 19/7, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra dự báo điểm chuẩn năm 2023 đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và theo điểm thi đánh giá tư duy.

Theo bảng dự báo, chương trình đào tạo có điểm chuẩn cao nhất thuộc về lĩnh vực công nghệ thông tin với ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.

Nhóm ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, An toàn không gian số, Công nghệ thông tin Global ICT, Toán - Tin, Công nghệ thông tin Việt - Nhật, Công nghệ thông tin Việt - Pháp có thể lấy điểm trúng tuyển 26 - 27,5 điểm.

Nhiều ngành như Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản trị kinh doanh liên kết với Đại học Troy của Mỹ dự kiến lấy mức 20 - 22 điểm.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, đề thi năm nay được nhiều thí sinh đánh giá có độ phân hóa cao. Ông Triệu dự đoán, điểm chuẩn năm nay khả năng giảm hơn so với năm ngoái là không lớn, nếu có sự tăng/giảm thì thay đổi biên độ rất nhỏ (từ 0,25-0,5 điểm, tùy mã ngành).

"Với các ngành "hot"... năm 2022 điểm chuẩn trên 28, năm nay khó tăng cao hơn, tuy nhiên thí sinh phải đạt trên 28 điểm mới có cơ hội trúng tuyển", ông Triệu lưu ý. 

Lưu ý quan trọng khi đăng ký xét tuyển đại học

Tư vấn về lựa chọn ngành nghề, Ths Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Thương Mại cho hay: "Đại đa số các bạn thí sinh chọn theo điểm thi mà mình đạt được, nhưng lời khuyên của mình là tìm hiểu về ngành nghề, xem năng lực của mình theo ngành nghề đó để có lựa chọn tốt hơn".

TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng tư vấn: "Khi chọn ngành, không nên quan trọng điểm chuẩn năm trước cao hay thấp mà thích ngành nào nhất hãy đặt lên đầu tiên. Sau đó, những ngành nào yêu thích ít hơn, nhưng tham chiếu các năm trước điểm chuẩn cũng ở mức vừa phải thì nên đặt thành những nguyện vọng sau cùng”.

Ths Nguyễn Văn Linh, Phó Trưởng phòng quản lý đào tạo và Công tác Học sinh, sinh viên, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, cho rằng, để lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, thí sinh cần có sự chuẩn bị khá sớm.

Trước tiên các em cần xác định rõ ngành học yêu thích, phù hợp muốn theo đuổi, tiếp đó lựa chọn các trường có đào tạo ngành học này. Thí sinh cũng cần đối chiếu tiêu chuẩn tuyển sinh của trường có phù hợp với năng lực bản thân hay không. Trong đề án tuyển sinh các trường có điểm trúng tuyển các năm trước, thí sinh có thể lấy đó làm căn cứ tham khảo. Tiếp theo các em cũng cần tìm hiểu phương thức, tổ hợp xét tuyển của từng ngành. Điều này đòi hỏi thí sinh có thời gian dài chuẩn bị để biết bản thân mình có phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu của từng trường hay không.

Năm 2023, Bộ GDĐT điều chỉnh một số điểm trong quy chế tuyển sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. Theo đó, năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, trường đại học chỉ cần chọn ngành, không cần lựa chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển như những năm trước. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý, khi đăng nhập vào hệ thống tuyển sinh quốc gia, trên phần mềm sẽ có mục chọn căn cứ xét tuyển. Tức phần mềm của Bộ GDĐT sẽ có nhiệm vụ tính cho thí sinh những phương án tối ưu nhất để tỷ lệ trúng tuyển là cao nhất. Để hệ thống có thể thực hiện được điều này, thí sinh cần kê khai toàn bộ những căn cứ xét tuyển đang có như chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hay điểm thi đánh giá năng lực… Lúc này, phần mềm sẽ tự động đối chiếu với tổ hợp, phương thức xét tuyển của từng ngành mà thí sinh đã đăng ký để lựa chọn cho thí sinh phương thức xét tuyển tối ưu nhất.

Ths Phạm Văn Minh, Phó Trưởng Khoa quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Trãi nhấn mạnh, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, thí sinh cần lưu ý đặt các nguyện vọng yêu thích nhất ở vị trí phía trên, tránh trường hợp đủ điểm nhưng vẫn trượt các nguyện vọng yêu thích do không biết cách sắp xếp.

Lịch xét tuyển đại học năm 2023

Từ ngày 10/7 đến 30/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GDĐT

Sau đó, thí sinh có 7 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 31/7 đến ngày 6/8/2023.

Thí sinh sẽ nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 22/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 6/9/2023 (muộn hơn so với dự kiến 7 ngày).

Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ GDĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 25/7/2023. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).

H.A

Bình luận(0)